Hẹn hò ở tuổi trung niên

Năm năm sau khi chồng mất, chị Hồng, 47 tuổi, quyết định đăng tin tìm bạn tâm giao, đồng thời tham gia một câu lạc bộ hẹn hò.

Vài ngày sau, chị nhận được thư làm quen của tám người đàn ông, tuổi từ 35 đến 68. Thử nói chuyện với ba người, chị thấy họ đều lịch sự, nghiêm túc. "Song để biết có thể làm bạn hoặc tiến xa hơn, cần nhiều thời gian", chị Lê Thu Hồng, nhà ở huyện Phúc Thọ chia sẻ.

Chị từng có trải nghiệm không hay về chuyện tình cảm qua giới thiệu nên lần này xác định phải tự mình đi tìm hạnh phúc. "Những người trước đến theo kiểu 'khách quá giang' nên tôi không mở lòng", chị nói.

Hẹn hò ở tuổi trung niên

Sponsored Ad

Chị Hồng, 47 tuổi, ở văn phòng công ty, đầu tháng 12/2021. Ảnh: P.D

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho biết, Việt Nam có khoảng 31 triệu người ở độ tuổi từ 35 đến 59. Với xu hướng tuổi thọ người Việt ngày càng tăng, tình trạng kết hôn muộn và gia tăng ly hôn tuổi xế chiều, số lượng người độc thân trong nhóm tuổi này trở nên đông đảo.

Nhu cầu tìm tình yêu, bạn đời của người trung niên là một thực tế đang diễn ra. Chị Hồng là một ví dụ. Trên Facebook có hàng chục hội nhóm được lập ra để những người trong nhóm này giao lưu tìm bạn. Trái với người trẻ, người trung niên Việt Nam gặp khó khăn khi tìm tình yêu qua các trang web hay các ứng dụng hẹn hò.

Sponsored Ad

"Tôi chạy mất dép vì ngay lần đầu đã gặp phải những người nói chuyện dung tục. Mới quen vài ngày đã đòi gặp và không trung thực tình trạng hôn nhân", bà Như Phương, 60 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội, kể về một lần tò mò nhấp chuột vào biểu tượng trái tim (chức năng hẹn hò) trên Facebook.

Bà Phương ly hôn được bảy năm sau chục năm sống ly thân. Ban đầu bà thấy cuộc sống độc thân hoàn toàn ổn, cho tới khi nghỉ hưu chuyển đến sống cùng vợ chồng con gái. "Các con đứa nào cũng có việc của chúng, tôi bỗng thấy cô đơn hơn bao giờ hết", bà giãi bày. Nhưng sau khi nhận ra việc hẹn hò trên mạng không lành mạnh, bà bỏ luôn ý định tìm bạn tâm giao qua mạng.

Sponsored Ad

Vũ Nguyệt Ánh, người có 10 năm làm trong lĩnh vực mai mối, cho biết hầu hết người trung niên không tiếp cận được được các ứng dụng hẹn hò, trong khi các câu lạc bộ giao lưu kết bạn cho lứa tuổi này rất ít. "Những năm trước có nhiều cô chú nhờ tôi mở dịch vụ, tôi đành phải khất", Ánh nói.

Sự khan hiếm các kênh mai mối cho người trung niên đã khiến đạo diễn Hoàng Lê Na (Hà Nội) nảy ra ý tưởng làm video "Con gái tìm chồng cho mẹ" đăng lên mạng, vào năm 2017. Mẹ cô ly hôn 15 năm, ở vậy gây dựng kinh tế và nuôi hai con. Khi hai chị em Lê Na đều đã lập gia đình, họ xót xa cho mẹ chỉ một mình thui thủi.

Sponsored Ad

Video của Lê Na xuất hiện trên khắp các mặt báo. Từ Australia, một ông chủ gara xe hơi gốc Việt đọc được bài báo trên VnExpress, đã tìm cách liên hệ, từ đây mở ra chuyện tình yêu đẹp của hai người từng thất bại hôn nhân. Họ đã về chung một nhà sau đám cưới lãng mạn bên bờ biển, mùa thu 2019.

Lê Na không ngờ sau khi tìm chồng cho mẹ thành công, trang cá nhân của chị được hàng trăm người trung niên theo dõi. Nhiều người độc thân nhờ chị se duyên. "Lắng nghe tâm sự của các cô chú, tôi hiểu họ cũng như mẹ mình, có mong muốn tìm hạnh phúc, nhưng gặp nhiều rào cản. Với khả năng của mình, tôi có thể giúp đỡ", cô nói.

Sponsored Ad

Câu lạc bộ Hạnh phúc tuổi trung niên, do Lê Na phối hợp với Nguyệt Ánh ra đời cuối năm 2019. Người muốn tham gia phải đóng phí 550.000 đồng mỗi năm. Các chi phí hoạt động khác do Na và Ánh bỏ ra. Câu lạc bộ tuyển đầu vào với yêu cầu chứng minh nhân thân và xác nhận độc thân, hiện có hơn 200 người tham gia. Đến nay họ đã giúp gần chục cặp yêu nhau, một đôi đã kết hôn và một đôi sắp cưới.

Ông Trần Đông, 54 tuổi, ở Thanh Hóa đã góa vợ vài năm trước, tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu. Nhà chỉ có hai cha con, con trai lại bận công việc trong ngân hàng nên việc quản lý cửa hàng tạp hóa và nhà cửa chỉ có một mình ông.

Sponsored Ad

Sau khi tìm hiểu ba người, ông được làm mối với chị Trần Hoa, 42 tuổi cùng quê, làm việc ở Hà Nội, chưa từng kết hôn. "Nói chuyện lần đầu tôi đã chấm cô ấy luôn", ông kể.

Nền tảng kinh tế vững chắc, bản thân không rượu chè, thuốc lá, chỉ chuyên tâm kinh doanh là điểm cộng của người đàn ông góa vợ này. "Trước khi nhận lời tôi, cô ấy điều tra họ hàng, làng xóm thông tin về tôi rất kỹ càng", ông Đông chia sẻ. Sau một năm rưỡi tìm hiểu và yêu nhau, ông đã "rước được nàng về dinh" ngay trước đợt dịch thứ tư bùng phát.

Bà mối Lê Na tiết lộ một trong các lý do thành công của đôi này, đó là "chú Đông mới có một con nên muốn có thêm em nữa, mà cô Hoa chưa kết hôn nên tôi nghĩ họ có tương lai".

Sponsored Ad

Hẹn hò ở tuổi trung niên

Ông Trần Đông (trái) cầu hôn bạn gái (phải) hôm 11/11/2020 trước sự chứng kiến của bà mối Lê Na (giữa). Ảnh: CLB Hạnh phúc tuổi trung niên

Mai mối người trung niên, đặc biệt người từng đổ vỡ hôn nhân phức tạp hơn nhiều người trẻ. "Họ nâng lên, hạ xuống vì mất niềm tin. Hơn nữa, ở tuổi này họ cũng có rất nhiều ràng buộc", Vũ Nguyệt Ánh nói.

Trong một bức ảnh của câu lạc bộ, bà Như Phương mặc chiếc váy hoa mềm mại, mái tóc buông dài, phía sau là một người đàn ông đang đuổi theo say mê. Cặp đôi ngoài 60 tươi trẻ như tuổi đôi mươi. Song khi hỏi đến việc tiến xa hơn, bà Phương nói: "Sẽ chỉ yêu chứ không lấy".

Hai người quen nhau khi sinh hoạt cùng câu lạc bộ. Họ cùng chơi bóng bàn, khiêu vũ, dần dần nảy sinh tình cảm. Dù vậy, bà Phương không ít lần khuyên ông nên tìm một người phụ nữ khác ở bên cạnh để chăm sóc. "Với em, chuyện mình về với nhau là không thể", bà nói.

Bà giãi bày, ở tuổi 60 bà rất sợ phải làm vợ, làm dâu, đối đáp làng mạc hay cỗ bàn lễ Tết. Bên cạnh đó còn là các nỗi lo kinh tế và tình trạng sức khỏe tuổi già. "Trong câu lạc bộ, rất nhiều chị em phụ nữ suy nghĩ như tôi. Kể cả người đàn ông đó có kinh tế ổn định, chúng tôi vẫn rất sợ ràng buộc hôn nhân, bởi có thể gây ra mâu thuẫn với con cái của họ", bà Phương cho biết.

Với Thu Hồng, sau khi đăng tìm bạn trên mục hẹn hò, chị tiếp tục nộp một khoản phí nhỏ để tham gia sinh hoạt trong nhóm những người cùng độ tuổi. Hiện chị tự chủ kinh tế, hai con trai có việc ổn định và cũng đã lên chức bà nội. Trước mắt chị định sẽ tìm một người bạn tâm giao không cần trợ cấp, danh phận. Chỉ cần "người đó đồng cảm chia sẻ mọi buồn vui" bởi chị nghĩ khi đã xác định qua lại phải ràng buộc và gắn kết bằng tình cảm.

Các con và gia đình chồng động viên chị tìm hạnh phúc cho mình, song cũng khuyên "không nên tái hôn". Nhưng chị lại nghĩ khác. "Ở tuổi không còn trẻ cũng chưa quá già, nếu tìm được một người phù hợp có thể sẽ tiến xa hơn. Dù sao con chăm cha cũng không bằng bà chăm ông", chị nói.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Bạn có thể cũng thích bài viết này