Ly hôn, đừng để con trẻ tổn thương
Hôn nhân đổ vỡ là chuyện không ai mong muốn và con trẻ thường là người phải gánh chịu nhiều tổn thương nhất. Là bậc làm cha mẹ cần biết đặt con cái làm trọng khi giải quyết những vấn đề này.
Năm 2014, qua mai mối, chị D. và anh N. kết hôn, sống tại quận Ninh Kiều, có con gái chung là bé T. gần 5 tuổi. Trong quá trình chung sống, đôi bên phát sinh mâu thuẫn về kinh tế, cách cư xử nên thường xuyên cãi vã. Cả hai ly thân từ cuối năm 2019. Tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều xử vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị D, giao bé T cho mẹ nuôi, không yêu cầu cấp dưỡng. Sau đó, anh N kháng cáo, xin thay đổi quyền nuôi con.
Tại phiên tòa phúc thẩm vào giữa tháng 8, anh N cho rằng sau khi ly hôn, chị D đưa con về Hậu Giang sống cùng cha mẹ ruột, không tạo điều kiện cho anh thăm con; anh gửi tiền hay quà, chị D đều không nhận. Anh N trình bày, gia đình anh rất thương bé T, thu nhập anh ổn định hơn chị D, nhà ở ngay trung tâm thành phố nên thuận tiện cho con trong việc vui chơi, học tập…
Sponsored Ad
Cha mẹ hãy là điểm tựa, phối hợp nuôi dưỡng, cùng vun đắp tương lai cho con (Ảnh minh họa)
Sponsored Ad
Trước tòa chị D giải thích, chị không có ý ngăn cản cha thăm con, chỉ là những lúc anh đến, hai mẹ con đi chơi không có ở nhà. Chị không nhận tiền vì nghĩ đủ khả năng nuôi con.
Mong muốn được tiếp tục nuôi con, chị D đã đưa ra nhiều lý lẽ như có cha mẹ hỗ trợ tài chính và chỗ ở, bản thân có thu nhập từ mấy công đất trồng chuối, nhà gần trường học... Chị D cũng cho rằng anh N làm tài xế, đi nhiều, thường nhậu nhẹt, trong khi con còn quá nhỏ cần được chăm sóc hàng ngày.
Trong lúc trình bày, cả hai mất bình tĩnh, có lời lẽ qua lại. Vì thế khi tòa nghị án, cả anh N và chị D đều cố tình tránh mặt nhau khiến ai chứng kiến cũng đau lòng.
Sponsored Ad
Sau khi xem xét toàn diện chứng cứ, tòa quyết định chấp nhận đơn kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giao con cho anh N nuôi, không đặt vấn đề cấp dưỡng. Chị D dù buồn nhưng vẫn phải chấp nhận.
Từ sự việc trên có thể thấy, cả anh N và chị D đều thương con nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu như cả hai bình tĩnh, tiết chế bớt cái tôi, cùng ngồi lại bàn bạc để xem cách nào hay ai nuôi con sẽ tốt nhất thì đã tránh được việc tranh chấp ở chốn pháp đình, khiến nghĩa tình thêm sứt mẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng trong quá trình ly hôn, có thời gian nhìn nhận lại sự việc đã khéo léo hơn trong cư xử, giữ được mối quan hệ tốt đẹp để bù đắp cho con. Nhưng cũng có không ít trường hợp cố tình chia cắt tình thân ruột thịt, nói xấu cha mẹ trước mặt con, lấy trẻ làm phương tiện trả thù đối phương… Cũng có không ít phụ huynh đẩy gánh nặng nuôi con về phía ông bà, người thân để tự do tìm hạnh phúc mới. Ðứa trẻ vốn được xem là kết tinh tình yêu của cha mẹ thì sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, lại chông chênh giữa ngã ba đường.
Sponsored Ad
Liên quan vấn đề này, chị K.N, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ chia sẻ: “Trước đây, khi ly hôn, tôi biết chồng có ý định nuôi con nên thuyết phục anh để con cho tôi nuôi dưỡng vì cháu còn nhỏ và là con gái, mẹ chăm sóc sẽ tốt hơn. Tôi chuẩn bị về mặt tâm lý, tài chính, nơi ở… để con thật sự thoải mái khi thay đổi môi trường sống. Sau này, khi chồng cũ lập gia đình, có thêm con, tôi vẫn thường cho con gái tới chơi, thăm hỏi, giữ mối quan hệ tốt. Nhờ vậy mà gần 9 năm trôi qua, con gái tôi và cha vẫn thương yêu nhau như xưa, cháu còn có thêm gia đình nhỏ với các em. Tôi nghĩ không nên để sai lầm của người lớn gây ảnh hưởng đến con trẻ”.
Sponsored Ad
Khi chia tay vợ, anh T.P ở quận Bình Thủy quyết định nuôi hết 3 đứa con vì nếu theo mẹ, một đứa phải chuyển trường, không được gần gũi với anh em. Dù không muốn xa con nhưng vì tương lai con và nhiều yếu tố khách quan khác, vợ anh chấp thuận, còn gom tiền dành dụm phụ chồng. Lúc đó, gia tài của anh P chỉ có căn nhà nhỏ, thu nhập tùy thuộc vào các đơn hàng của khách. Dù lường trước khó khăn nhưng cũng có những lúc anh đuối, chính vợ cũ động viên tinh thần, chia sẻ tài chính. Chồng sau của vợ anh cũng rất thông cảm, ủng hộ việc này. Bù cho sự vất vả của cha, các con anh P rất hiếu thảo, học giỏi.
Anh P tâm sự: “Nhiều lúc tôi buồn nhưng không bao giờ trách móc hay than thở trước mặt con. Mỗi dịp con học đạt thành tích cao, tôi đều báo để mẹ tụi nhỏ chúc mừng. Tôi muốn các con hiểu rằng dù cha mẹ không sống chung nhưng tình thương đối với con không bao giờ thay đổi”.
Cha mẹ ly hôn, con cái chịu thiệt thòi và tổn thương nhất. Vì vậy, người lớn hãy thật cân nhắc, biết yêu con đúng cách, phải nghĩ cho con trước để cùng chung tay nuôi dưỡng, làm điểm tựa cho con vào đời. Những sự tranh chấp, hơn thua sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu điều đó không mang lại hạnh phúc, bình an cho con.