Sản phụ Quảng Ninh chuyển dạ sinh thường một bé tại nhà, tay bé thứ 2 lấp ló bên ngoài: 3 phút khẩn trương cứu sống
Cặp bé song sinh đã qua cơn nguy kịch; bé đẻ thường được theo dõi, chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, còn bé mổ sau khi tạm ổn đã được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp tục theo dõi, điều trị.
Đối với những sản phụ mang song thai, thời gian dự sinh sớm hơn rất nhiều so với sản phụ bình thường. Vì vậy trong tam cá nguyệt cuối, các bà mẹ phải chú ý khi có dấu hiệu sinh thì phải đến trung tâm y tế gần nhất, phòng ngừa biến chứng xảy ra.
Vừa qua các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đã khẩn trương xử trí, cấp cứu kịp thời sản phụ song thai, thai 35 tuần 4 ngày, một thai đẻ thường tại nhà, một thai sa tay ra cửa ngoài phía dưới.
Sponsored Ad
Được biết sản phụ L. T. H. (35 tuổi, trú tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn- Quảng Ninh) có tiền sử đẻ 1 lần non tháng thai 36 tuần. Lần này có thai lần 2, song thai, thai 35 tuần 4 ngày. Lúc sáng sớm sản phụ chuyển dạ nhanh và sinh thường một em bé tại nhà. Tuy nhiên đến thai thứ hai thì người nhà thấy tay phải em bé sa ra ngoài. Gia đình đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu Trung tâm Y tế xuống đón nhập viện.
Sponsored Ad
Ảnh TTYTYT
Đến nơi, bác sĩ và nữ hộ sinh nhanh chóng tiến hành kẹp cắt dây rốn, ủ ấm cho em bé đầu tiên trong cặp song sinh. Bé trai khoảng 2 kg, các dấu hiệu sinh tồn tạm ổn định. Bé thứ 2 trong tình trạng ngôi ngang, ối vỡ, sa tay phải ra ngoài, cánh tay tím, nhịp tim thai rời rạc. Ngay lập tức kíp cấp cứu nhanh chóng chuyển sản phụ lên xe và chuyển đến trung tâm, đồng thời em bé sinh thường cũng được bác sĩ chuyển cùng để theo dõi.
Sản phụ được đưa thẳng lên phòng mổ và được nhanh chóng gây mê toàn thân mổ cấp cứu. Sau khoảng 3 phút khẩn trương, với bản lĩnh, sự lành nghề và bàn tay khéo léo, ê kíp đã mổ thành công, giúp bé trai nặng 2kg chào đời. Em bé không khóc, không có phản xạ sơ sinh.
Sponsored Ad
Ảnh TTYTYT
Sau 10 phút cấp cứu tích cực bé bắt đầu hồng hào trở lại, tự thở qua ống nội khí quản và có phản xạ. Đến lúc này cả kíp cấp cứu mới bớt phần nào căng thẳng bởi các bác sĩ rất lo lắng và áp lực về thời gian là rất lớn, mỗi phút trôi qua, tiên lượng sống của bé sẽ giảm đi và nguy cơ biến chứng cho bé càng cao.
Sponsored Ad
Hiện tại sức khỏe của sản phụ tạm ổn định và được theo dõi tại phòng hậu phẫu và hai em bé đã qua cơn nguy kịch, bé trai đẻ thường được theo dõi và chăm sóc tại Trung tâm y tế Tiên Yên, em bé thứ hai sau khi tạm ổn được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp.
Đây là một trường hợp sản phụ song thai chuyển dạ đẻ trong tình trạng nguy kịch với biến chứng sa chi của thai. Rất may mắn là cả mẹ và em bé đã được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu kịp thời.
Khi mang thai đôi, cả mẹ và thai nhi đều phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao hơn. Việc kiểm tra trước khi sinh diễn ra thường xuyên hơn với những trường hợp mang thai đôi, giúp phát hiện các vấn đề ở giai đoạn sớm hơn. Mang thai đôi có nguy cơ cao vì có nhiều biến chứng tiềm ẩn. Nhiều người nhận được sự chăm sóc trước khi sinh từ các chuyên gia y học bà mẹ và thai nhi. Những bác sĩ sản khoa này chuyên phòng ngừa, phát hiện và chăm sóc các biến chứng của thai kỳ có nguy cơ cao.
Sponsored Ad
Các biến chứng khi mang thai đôi bao gồm:
Thiếu máu
Tình trạng bẩm sinh, bao gồm cả tật nứt đốt sống
Tiểu đường thai kỳ
Huyết áp cao khi mang thai (tiền sản giật)
Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR)
Nước ối thấp (olihydramnios).
Nhau bong non
Sinh non
Quá nhiều nước ối (đa ối)
Hội chứng truyền máu song sinh, trong đó chỉ có một cặp song sinh được cung cấp đủ máu trong bụng mẹ.
Cặp song sinh sinh non có nguy cơ bị các biến chứng khác, có thể bao gồm:
Chảy máu não
Các vấn đề về hô hấp do phổi kém phát triển, bao gồm cả chứng ngưng thở.
Khó giữ ấm
Vấn đề cho ăn
Cân nặng khi sinh thấp.
Vấn đề về thị lực (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non)
Với những rủi ro tiềm ẩn như trên, phụ nữ khi đang mang thai đôi hãy đến các cơ sở y tế thăm khám định kỳ. Với những sản phụ đau bụng hay bị vỡ ối cần phải đến cơ sở y tế để xử lý, tránh những biến chứng nguy hiểm cho cháu bé như: bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm trùng máu, gặp các vấn đề về đường hô hấp; đối với người mẹ có thể bị băng huyết, choáng, nhiễm trùng ảnh hưởng đến tính mạng.