Nuôi chồng thành tiến sĩ rồi chồng “bay” đi lấy vợ khác
Có những người phụ nữ đã phải rơi vào cảnh “nuôi ong tay áo”, dốc lòng sốc sức nuôi chồng ăn học rồi anh ta lại “bay” đi lấy vợ mới.
Chị N.H (Thanh Trì, Hà Nội) là một bà mẹ đơn thân hiện đang sống cùng một con trai 12 tuổi. Chị đã tâm sự: “Hồi đó, tốt nghiệp phổ thông xong, mình không đi học tiếp do hoàn cảnh gia đình khó khăn và cũng không tìm được việc gì ưng ý nên quyết định đi xuất khẩu lao động mấy năm về kiếm ít vốn làm ăn. Mọi việc cũng khá thuận lợi, trừ chi phí ban đầu ra, sau mấy năm về nước mình đã có được một món tiền khá khá.
Rồi số phận run rủi cho mình gặp chồng cũ của mình. Anh ta kém mình 3 tuổi, lúc ấy còn là một sinh viên vừa ra trường, đang mò mẫm những bước đi đầu tiên để mưu sinh ở thành phố. Bọn mình nhanh chóng làm đám cưới vì mình tuổi cũng không còn trẻ. Mình có vốn sẵn nên mở một cửa hàng kinh doanh với thu nhập cũng gọi là tạm tạm, còn chồng bắt đầu vác hồ sơ đi xin việc”.
Sponsored Ad
Chị kể, vì chồng chị mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, bằng cấp cũng chưa cao nên đi làm lương ba cọc ba đồng rất chán chường, công việc lại không ưng ý. Vì thế anh bày tỏ với chị muốn đi học tiếp thạc sĩ để nâng cao chuyên môn, thuận tiện cho xin việc hơn. “Mình thấy chồng ham học và nghĩ xa nên cũng vui vẻ đồng ý. Anh bảo việc học bận rộn nên không đi làm kiếm thêm được. Mình tối tăm mặt mũi làm lụng để nuôi chồng ăn học tiếp mấy năm thạc sĩ, tiền ăn tiền học phí tiền giao lưu bạn bè của anh mình đài thọ hết” – chị nói.
Sponsored Ad
Chị tâm sự tiếp: “Thời gian đó mình cũng sinh con trai đầu lòng. Vậy là mình vừa chăm con, làm việc nhà và tất bật kinh doanh để có tiền lo cho con nhỏ, cho chồng ăn học đầy đủ không thiếu thứ gì. Những khó khăn và nhọc nhằn là không thể tưởng tượng hết được. Nhưng rồi qua cơn mưa trời lại sáng, tốt nghiệp khóa học thạc sĩ, anh đã kiếm được một công việc rất khá. Anh và mình đều vui không sao kể xiết!”.
Những tưởng những ngày tháng sau đó chồng chị N.H sẽ bù đắp cả về thời gian, vật chất và tình cảm cho vợ con nhưng anh lại muốn vừa làm vừa học tiếp lên tiến sĩ. “Mình cũng hơi hụt hẫng nhưng chẳng có lí do gì để cản anh cả. Nếu anh cờ bạc, rượu chè tệ nạn này nọ thì không nói, đằng này anh ham học và có chí tiến thủ như thế, mình là người vợ phải nên ủng hộ hết lòng mới phải. Vì thế mình lại tiếp tục một mình làm lụng nuôi con cho anh đi học tiếp. Lương anh cũng khá nhưng chi tiêu và học phí tốn kém nên mình phải thường xuyên ‘bơm’ thêm tiền cho anh” – chị N.H giãi bày.
Sponsored Ad
“Cuối cùng khi anh lấy được tấm bằng tiến sĩ thì cũng là lúc anh thay đổi chóng mặt. Anh không thèm để ý đến con và luôn dè bỉu mình không xứng tầm với chồng. Cũng phải thôi, mình chỉ học hết phổ thông còn anh giờ đã là một tiến sĩ trẻ có năng lực, công việc ngon nghẻ, tương lai rạng ngời.
Sponsored Ad
Đến ngày anh chìa lá đơn li dị cho mình kí thì mình chết điếng. Bao nhiêu cay đắng, phẫn uất, đau đớn không từ ngữ nào có thể diễn tả hết. Có lẽ lúc này người vợ quê mùa, trình độ kém như mình đã trở thành vật cản và là một thứ xấu xí bên cạnh anh mà anh muốn dứt bỏ bằng được. Không bao lâu sau ly hôn, anh ta cưới một cô nàng đồng nghiệp xinh đẹp, sành điệu và cũng học cao…” – chị N.H nghẹn ngào tâm sự.
Chị M.L (Quận 7, TP HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như của chị N.H khi phải “nuôi ong tay áo”, dốc lòng sốc sức cho người đàn ông của mình ăn học thành tài, đủ lông đủ cánh rồi anh ta lại “bay” đi… lấy vợ mới.
Sponsored Ad
“Lúc bọn mình kết hôn thì cả 2 đứa đều là công nhân của khu công nghiệp, trình độ mới hết phổ thông, tương lai rất mù mịt. Chồng đã bàn với mình rằng không thể cam tâm cả đời như thế này được, phải nghĩ đến tương lai con cái sau này nữa. Anh bảo, trong 2 đứa phải có ít nhất một người có học hành và công việc tốt lành, ổn định.
Uớc ao được đi học luôn cháy bỏng trong mình nhưng vì gia đình quá nghèo nên bố mẹ không thể lo được. Học cấp 3 mình đã phải tự đi làm thêm kiếm tiền học phí, sách vở nhưng để đi thi Đại học và học tiếp đại học thì mình thực sự không xoay xở nổi. Chồng mình cũng vậy. Nhưng bây giờ một người đi làm chăm chỉ thì vẫn có thể nuôi được người còn lại ăn học.
Sponsored Ad
Cuối cùng, bọn mình quyết định rằng anh sẽ là người đi học. Đó là đề đạt của anh và mình cũng nghĩ rằng anh là đàn ông thì nên là người đi học để sau này ra xã hội bươn chải, lo cho gia đình, mình là phụ nữ thì lo việc nhà, chăm chồng con là hợp lí hơn” – chị M.L kể lại câu chuyện đời mình.
Vậy là chồng chị nghỉ làm để ôn thi Đại học. Chị thì tăng ca mịt mờ, không quản ngại bất cứ điều gì để lo chi phí cho chồng ôn thi. Cuối cùng không phụ sự mong đợi của 2 người, anh đã thi đỗ vào trường như nguyện vọng. Niềm vui đi liền với nỗi lo trong lòng chị M.L, vì trước mắt sẽ là những năm ăn học của chồng mà chị phải gánh vác hết.
Sponsored Ad
“Mình làm đến gầy cả người, xanh xao mặt mũi nhưng vì lý tưởng của 2 vợ chồng mà vẫn cố gắng không bỏ cuộc. Vì để chồng có thời gian tập trung học nên mình không yêu cầu chồng làm thêm gì cả. Cuối cùng, anh tốt nghiệp với thành tích rất tốt, nhanh chóng xin được một công việc ưng ý.
Những tưởng như thế là đã đến lúc mình được nghỉ ngơi và hưởng những thành quả do công sức mình bỏ ra. Mình muốn sinh con để thực hiện thiên chức làm mẹ và vì mình cũng hơi lớn tuổi rồi. Nhưng chồng lại chưa muốn với lí do muốn ổn định sự nghiệp đã” – người phụ nữ này chia sẻ.
“Nhưng chưa đợi đến lúc đó thì anh đã về đề nghị mình li dị để đi lấy vợ mới tương xứng hơn. Anh nói nhiều lắm nhưng đại ý rằng anh đã yêu người khác, cảm ơn mình thời gian qua đã nuôi anh ăn học và anh sẽ đền bù cho mình những chi phí đó. Anh ta nghĩ đơn giản thật, còn mình thực sự không biết phải làm sao lúc đó nữa, ngơ ngẩn nhìn anh ta ném lại lá đơn và cọc tiền rồi bỏ đi không một lần quay đầu ngoảnh lại. Mình tự hỏi đây là người chồng mình đặt hết niềm tin và hy vọng đây ư?” – chị M.L nhắc lại chuyện cũ mà vẫn không giấu nổi nỗi đau tận đáy lòng.
Chị còn thổ lộ, giá như chị có một đứa con thì có khi còn được an ủi phần nào. Đằng này, giờ đây chị vẫn một thân một mình không ai bên cạnh, chị cũng chưa tái giá với ai cả…