Cử tri kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT
Cử tri tỉnh An Giang, Bộ GD&ĐT nên tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về đề nghị tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục 2019 quy định, khi học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định sẽ dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Còn những học sinh học hết chương trình THPT mà không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông.
Sponsored Ad
Ảnh minh hoạ. Nguồn xaydungchinhsach.chinhphu.vn
Sponsored Ad
Kỳ thi phục vụ mục đích lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục, đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, như: Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội; Nghị quyết 144/NQ-CP, ngày 10/9/2023 của Chính phủ. Bộ GD&ĐT luôn đưa ra phương án thi bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và không gây tốn kém cho xã hội.
Sponsored Ad
Trước đó, năm 2023 cử tri tỉnh Lâm Đồng cũng phản ánh, việc thi tốt nghiệp THPT hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, nên việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không? Và việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc học đại học; đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước như các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…
Trả lời vấn đề trên, Bộ GD&ĐT cũng đã trích dẫn khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Luật Giáo dục yêu cầu cần phải thi và đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.